Có được kiểm đếm bắt buộc khi vắng mặt chủ đất không?

Kiểm đếm là thực hiện việc điều tra, đo đạc, khảo sát, xác định diện tích đất, thống kê nhà ở để lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với các cá nhân có đất bị thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ khoản 3 Điều 67 Luật Đất đai 2013 có quy định:

“3. Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Đối chiếu quy định của pháp luật hiện hành, bắt buộc thực hiện kiểm đếm đối với người có đất bị thu hồi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì sẽ tiến hành thực hiện việc kiểm đếm bắt buộc.

Cụ thể:

Trình tự thủ tục kiểm đếm bắt buộc:

Căn cứ Điều 69 Luật Đất đai 2013

Khi bị thông báo về kiểm đếm tài sản thì người có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc kiểm đếm. Trong trường hợp người có đất bị thu hồi không phối hợp thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Khi đó, người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai hiện hành.

Như vậy, từ những quy định của pháp luật nêu trên, có thể thấy, trường hợp bạn vắng mặt do do bất cứ lý do gì thì cơ quan nhà nước vẫn có thể tiến hành kiểm đếm bắt buộc với quy trình như nêu trên.

Trong trường hợp, bạn không được thông báo về việc kiểm đếm và cũng không được bồi thường khi thu hồi thì bạn có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, cần lưu ý đến thời hiệu khiếu nại theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, căn cứ Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 có quy định:

“Điều 9. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *