Mẫu nhật ký thi công và cách ghi nhật ký thi công xây dựng

Mẫu nhật ký thi công và cách ghi nhật ký thi công xây dựng. Nhật ký thi công xây dựng công trình do nhà thầu thi công xây dựng lập cho từng gói thầu xây dựng hoặc toàn bộ công trình xây dựng. Trường hợp có nhà thầu phụ tham gia thi công xây dựng thì tổng thầu hoặc nhà thầu chính thỏa thuận với nhà thầu phụ về trách nhiệm lập nhật ký thi công xây dựng đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.

mau-nhat-ky-thi-cong-va-cach-ghi-nhat-ky-thi-cong-file-excel

Nội dung nhật ký thi công  quy định tại Phụ lục II Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Tuy nhiên trong Nghị định không có mẫu nhật ký thi công mà là do Chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình. Hôm nay Blog xây dựng chia sẻ mẫu nhật ký thi công xây dựng công trình file Excel để các bạn tham khảo áp dụng.

Có thể bạn quan tâm: Quy định về nhật ký thi công và bản vẽ hoàn công

bia-nhat-ky-thi-cong

Mẫu nhật ký thi công xây dựng công trình

 

MẪU NHẬT KÝ THI CÔNG FILE EXCEL: Download

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI SỔ NHẬT KÝ THI CÔNG

cach-ghi-nhat-ky-thi-cong

1. Tất cả các công trình xây lắp do các công ty, tổng công ty nhận thầu thi công đều phải có sổ “Nhật ký công trình”. Cơ quan giao thầu phải thống nhất với cơ quan nhận thầu thi công về thể thức cấp, ghi chép sổ và các công tác kiểm tra nghiệm thu bàn giao.

2. Cơ quan cấp sổ là đại diện của Chủ đầu tư – …..……., sổ được giao cho người phụ trách thi công. Người này sẽ ghi chép sổ và có nhiệm vụ trình sổ cho nhân viên hay cơ quan kiểm tra khi được yêu cầu.

3. Đơn vị trực tiếp thi công giữ sổ và có nhiệm vụ ghi chép, bảo quản sổ từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn thành công trình, trong quá trình tiến hành công tác, nếu thay đổi người phụ trách sổ thì người cũ phải bàn giao sổ lại cho người mới và phải viết vào phần cuối phần công tác mình phụ trách lời bàn giao sau: “Tôi khoá sổ này ngày………/…../20 . và bàn giao cho ông……………….. từ ngày………/…../200 . ký tên.”

4. Trong quá trình xây lắp, nhân viên giám sát chất lượng của nhà thầu, tư vấn giám sát, cán bộ kiểm tra chất lượng của chủ đầu tư, cơ quan thiết kế có quyền yêu cầu xem và ghi xác nhận vào sổ.

5. Khi nghiệm thu, Hội đồng sẽ dùng sổ để kết hợp kiểm tra công trình. Sau đó đơn vị thi công phải xếp sổ này vào hồ sơ hoàn thành công trình cho đơn vị sử dụng.

6. Sổ này được lập theo 1 mẫu thống nhất khổ giấy A4, sổ gồm 4 phần có đóng dấu giáp lai của cơ quan cấp sổ, chỉ khi nào dùng hết các trang của sổ mới được mở sổ mới. Các sổ phải đánh số thứ tự kế tiếp (ngoài bìa).

PHẦN I – CÁC SỐ LIỆU CƠ BẢN VỀ CÔNG TRÌNH

7. Phần này ghi theo mẫu, nếu là công trình lớn có thể chia nhiều hạng mục.

PHẦN II – NHÂN SỰ CHỦ CHỐT

8. Phần này ghi danh sách và biến động về biên chế tổ chức các cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật thi công của công trình và các nhân viên giám sát (trực tiếp) của nhà thầu, tư vấn giám sát, cán bộ kiểm tra của chủ đầu tư. Người ghi phải ký và ghi rõ họ tên.

PHẦN III – VĂN BẢN LIÊN QUAN

9. Phần này liệt kê tên các văn bản liên quan đến công trình bao gồm:

Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổng dự toán, quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu và hợp đồng xây lắp.

Các tài liệu sửa đổi bổ sung cho thiết kế, dự toán, và hợp đồng của các cơ quan có thẩm quyền (trường hợp do cá nhân giải quyết có thẩm quyền thì phải ghi rõ họ và tên, chức danh).

Các biên bản giải quyết kỹ thuật và các tài liệu kỹ thuật khác đặc trưng cho các công trình.(Tuỳ theo khối lượng của công trình, phần này dành một số trang thích hợp)

Người ghi phải ký và ghi rõ họ và tên.

PHẦN IV – NHẬT KÝ

noi-dung-nhat-ky-thi-cong

10. Đây là phần chính của nhật ký, phần này phản ánh từng phần việc, mọi công tác trong quá trình thi công từ lúc khởi đầu đến lúc hoàn thành bàn giao.

Phần này gồm 2 nội dung chính: Nhật ký Thi công và Ý kiến Kiểm tra, vì là tài liệu sản xuất cơ sở phản ánh mọi sinh hoạt sản xuất của công trường nên phải mô tả công tác từng ngày, từng ca sản xuất (nếu là nghỉ việc cũng ghi rõ lý do nghỉ việc).

11. Nguyên tắc ghi chép sổ theo công trình. Nếu là công trình lớn có thể chia thành bộ phận công trình (chú ý không chia theo đơn vị sản xuất).

12. Nội dung nhật ký thi công (phần tóm tắt nội dung công việc phải mô tả công tác trong ngày bao gồm phương pháp thi công, các điều kiện công tác cả về các mặt kỹ thuật, vật tư thiết bị, nhân lực, thời tiết v.v..và sự diễn biến của quá trình đó.

13. Nội dung Kiểm tra (ý kiến của người kiểm tra) dành cho các bộ phận kiểm tra có thẩm quyền của các cấp bao gồm nhân viên giám sát của nhà thầu, tư vấn giám sát, cán bộ kiểm tra của chủ đầu tư, cán bộ thiết kế thường trực, và cán bộ cấp trên của các đơn vị đó ghi chép. Nhận xét đánh giá chất lượng thi công và các mặt tổ chức sản xuất, kinh tế, kỹ thuật thi công. Những ý kiến này sẽ bổ sung vào hồ sơ quản lý chất lượng của nhà thầu, hệ thống kiểm tra giám sát của tư vấn giám sát và chủ đầu tư, và là một phần của hồ sơ hoàn công công trình.

14. Người phụ trách thi công phải căn cứ vào những nhận xét của người kiểm tra mà ghi ý kiến trả lời. Đồng thời thực hiện ngoài hiện trường.

– Nếu nhận xét thuộc nguyên tắc đã ghi trong quy trình quy phạm, tài liệu thiết kế hay nguyên lý phổ biến thì biện pháp sửa chữa phải tiến hành ngay tức khắc.

– Nếu nhận xét không thuộc loại trên hoặc đơn vị thi công không nhất trí thì phải chịu trách nhiệm khi vẫn tiếp tục thi công như cũ, nhưng phải ghi ý kiến trả lời.

15. Các cột ý kiến của người kiểm tra, và trả lời của đơn vị thi công đều phải ký và ghi rõ họ và tên và cần ghi rõ cả tên cơ quan đơn vị của người kiểm tra.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *