Quy định về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng

Dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014: Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp những đề xuất liên quan đến việc sử dụng vốn để thực hiện hoạt động xây dựng để xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì và nâng cao chất lượng công trình hay sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn, cũng như chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án cần được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hay Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Trong đó, hoạt động xây dựng sẽ gồm các công việc theo quy định tại Khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 gồm:

  • Khảo sát xây dựng;
  • Thiết kế xây dựng;
  • Lập quy hoạch xây dựng;
  • Thi công xây dựng;
  • Lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
  • Giám sát xây dựng;
  • Quản lý dự án;
  • Lựa chọn nhà thầu;
  • Nghiệm thu công trình xây dựng và bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì;
  • Các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

Luật Xây dựng 2014 quy định như thế nào về lập dự án đầu tư xây dựng?

Căn cứ tại Điều 52 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về lập dự án đầu tư xây dựng như sau:

– Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định như sau:

+ Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;

+ Đối với dự án không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định;

+ Trình tự lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật này, trừ dự án PPP.

– Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau:

+ Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

+ Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

– Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Các trường hợp nào được điều chỉnh dự án đầu tư

Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng quy định chi tiết tại Điều 19 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/3/2021 Về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Quy định về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng

Điều 19. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được điều chỉnh theo các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 và khoản 64 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14. Việc điều chỉnh dự án PPP được thực hiện theo quy định tại pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn khác thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 61 của Luật Xây dựng năm 2014.

Điều 61 của Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 và khoản 64 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.
Điều 61. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng

1. Các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước gồm:

a) Do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác;

b) Xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế – xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại;

c) Khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

d) Khi chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt.

“đ) Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án.”.

2. Việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn nhà nước do người quyết định đầu tư quyết định.

3. Việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn khác do người quyết định đầu tư quyết định trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ, quốc phòng, an ninh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm xây dựng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt.

6. Chính phủ quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng.

Khoản 64 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14

64. Thay thế cụm từ tại một số điều sau đây:

a) Thay thế cụm từ “vốn ngân sách nhà nước” bằng cụm từ “vốn đầu tư công” tại khoản 1 Điều 67;

b) Thay thế cụm từ “vốn nhà nước” bằng cụm từ “vốn đầu tư công” tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 8;

c) Thay thế cụm từ “vốn nhà nước” bằng cụm từ “vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công” tại khoản 5 Điều 12, khoản 1 và khoản 2 Điều 61, điểm đ khoản 2 Điều 86, khoản 5 Điều 132, khoản 4 và khoản 5 Điều 134, khoản 3 và khoản 4 Điều 135, khoản 2 Điều 137, khoản 3 Điều 143, khoản 2 Điều 146, khoản 2 và khoản 4 Điều 147 và khoản 2 Điều 166;

d) Thay thế cụm từ “tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng” bằng cụm từ “quản lý chi phí đầu tư xây dựng” tại tên Điều 156.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh trong các trường hợp sau:

a) Khi điều chỉnh dự án có thay đổi về mục tiêu, quy mô sử dụng đất, quy mô đầu tư xây dựng;

b) Khi có thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án tại quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác hoặc quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt;

c) Khi điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

d) Khi có thay đổi về giải pháp bố trí các công năng chính trong công trình dẫn đến yêu cầu phải đánh giá lại về giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn xây dựng, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của dự án.

3. Thẩm quyền, trình tự thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện theo quy định tại các Điều 13, 14 và 15 Nghị định này.

Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi nhóm dự án hoặc cấp công trình xây dựng của dự án, thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh được xác định theo thẩm quyền của nhóm dự án, cấp công trình sau điều chỉnh.

Xem thêm: Thẩm quyền, trình tự thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng

4. Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh của cơ quan chuyên môn về xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh của người quyết định đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đối với dự án PPP gồm các nội dung được điều chỉnh hoặc toàn bộ các nội dung của dự án sau khi điều chỉnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *