Thanh toán khối lượng hoàn thành, quyết toán hợp đồng A-B là hoạt động gắn liền với việc thu và quay vòng vốn của doanh nghiệp, đến tiền lương của anh/em xây dựng, sự đến hiệu quả và tồn tại của mỗi doanh nghiệp nhà thầu thi công xây lắp. Bên cạnh đó, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cũng liên quan trực tiếp đến việc kết thúc xây dựng, hoàn thành dự án của Chủ đầu tư, Người Quyết định đầu tư và các Cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Một trong số những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ thanh toán và quyết toán là: công việc với khối lượng số liệu rất lớn, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ đòi hỏi cả kiến thức chuyên môn và công cụ tốt đề xử lý. Người được giao thực hiện lập hồ sơ thanh quyết toán chưa có một công cụ hữu hiệu để thực hiện công việc, cũng chưa được đào tạo bài bản để làm việc này, hầu hết là tự nghiên cứu hoặc được hướng dẫn theo kiểu truyền tay, làm đến đâu tìm hiểu đến đó, phát hiện sai đến đâu thì chỉnh sửa đến đó.
Một số khái niệm, thuật ngữ cần nắm vững khi lập hồ sơ thanh quyết toán
Bạn sẽ không thể giỏi làm công việc thanh quyết toán được nếu bạn không làm phong phú ngôn ngữ về hợp đồng xây dựng, thanh quyết toán của mình. Hãy xây nền tảng kiến thức, kỹ năng công việc của bạn bắt đầu từ nắm chắc và hiểu rõ các khái niệm, thuật ngữ dưới đây và hơn thế.
1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
2. Bên giao thầu là chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư hoặc tổng thầu hoặc nhà thầu chính.
3. Bên nhận thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính khi bên giao thầu là chủ đầu tư; là nhà thầu phụ khi bên giao thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính. Bên nhận thầu có thể là liên danh các nhà thầu.
4. Điều kiện chung của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng quy định quyền, nghĩa vụ cơ bản và mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng.
5. Điều kiện cụ thể của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng để cụ thể hóa, bổ sung một số quy định của điều kiện chung của hợp đồng xây dựng.
6. Phụ lục của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng để quy định chi tiết, làm rõ, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng xây dựng.
7. Ngày làm việc theo quy định trong Nghị định của Chính phủ về hợp đồng xây dựng được hiểu là các ngày theo dương lịch, trừ ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật.
8. Chỉ dẫn kỹ thuật là tập hợp các yêu cầu kỹ thuật dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng cho công trình, thiết kế xây dựng công trình để hướng dẫn, quy định về vật liệu, sản phẩm, thiết bị sử dụng cho công trình gói thầu xây dựng và các công tác thi công, giám sát, nghiệm thu công trình xây dựng.
9. Thiết kế FEED là thiết kế kỹ thuật tổng thể được triển khai theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở triển khai thiết kế chi tiết.
10. Phạm vi công việc xem mục phạm vi công việc.
11. Nhà thầu chính là nhà thầu trực tiếp ký kết hợp đồng xây dựng với chủ đầu tư xây dựng.
12. Nhà thầu phụ là nhà thầu ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu.
13. Nhà thầu nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân mang quốc tịch nước ngoài tham gia ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng tại Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài có thể là nhà thầu chính, tổng thầu hoặc nhà thầu phụ.
14. Bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng; được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực, được bên giao thầu chấp nhận và phải kéo dài cho đến khi chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành.
15. Tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước cho bên nhận thầu để triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
16. Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng: Trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, thì bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được khấu trừ tương ứng với phần giá trị giảm trừ (chiết khấu) tiền tạm ứng qua mỗi lần thanh toán theo thoả thuận của các bên.
17. Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng là khoản giá trị tương ứng với khối lượng công việc nằm trong phạm vi hợp đồng ban đầu đã ký kết.
18. Thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành là việc bên giao thầu có trách nhiêṃ thanh toán cho nhà thầu sau khi nhà thầu đã thực hiện đúng nghĩa vụ được quy ước trong hợp đồng theo giai đoạn thanh toán.
19. Phát sinh trong hợp đồng là các công việc đã có đơn giá trong phạm vi hợp đồng ban đầu nhưng thực tế nghiệm thu khối lượng lớn hơn khối lượng theo hợp đồng ban đầu đã ký kết.
20. Phát sinh ngoài hợp đồng là các công việc được nghiệm thu khối lượng hoàn thành nhưng chưa có đơn giá trong hợp đồng ban đầu đã ký kết nhưng đã có đơn giá trong dự toán phần phát sinh.
21. Quyết toán hơp̣ đồng là tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng mà bên giao thầu có trách nhiệm chuyển trả cho nhà thầu sau khi công trình được hoàn thành và được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và thỏa mãn các điều kiện về thẩm tra, kiểm toán phê duyệt quyết toán. Quyết toán hợp đồng còn có thể gọi là quyết toán A-B, quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
22. Quyết toán vốn đầu tư là quyết toán giữa chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền liên quan (nhà nước, người quyết định đầu tư, cơ quan tài chính).
Văn bản pháp lý liên quan đến thanh quyết toán hợp đồng xây dựng
- Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
- Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
- Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
- Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
- Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước.
- Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 cuả Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.
- Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.
- Thông tư số 08/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng.
- Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình.
- Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
- Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ xây dựng ban hành định mức xây dựng.
- Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.
- Hợp đồng xây dựng và các tài liệu có liên quan.
Nguyên nhân của việc chậm quyết toán
Có nhiều nguyên nhân (thậm chí cả những rủi ro khách quan trong thực hiện dự án xây dựng mà ta không thể kiểm soát), một trong những nguyên nhân là do việc thi công công trình diễn ra trong thời gian dài, quá trình đó có rất nhiều biến động, nhiều loại thông tin – số liệu khác nhau xảy ra, nếu không chú trọng thu thập, lưu trữ và theo dõi thường xuyên khi tính thời sự qua đi rồi, ngồi làm thanh quyết toán để hoàn thiện hồ sơ bạn sẽ không thể moi đâu ra số liệu.
Vậy chúng ta phải tìm cách để tránh để dự án của mình bị sa lầy vào việc chậm quyết toán. Ngoài việc học tập nâng cao trình độ, chú trọng ứng dụng phần mềm công cụ hỗ trợ ngay từ đầu, thì việc làm đến đâu phải lưu trữ số liệu, thông tin đến đó là rất quan trọng.
Nếu thấy tại thời điểm thi công giá vật liệu xây dựng, nhân công hoặc xăng dầu có biến động, bạn phải cập nhật ngay theo thời điểm thi công ghi chú lại và lưu trữ vào 1 thư mục, có ngay 1 file Excel hoặc chèn thêm 1 sheet ngay file đang làm thanh quyết toán để theo dõi giá nguyên vật liệu theo thời gian.
Phân loại hợp đồng theo hình thức giá hợp đồng
Khi làm thanh quyết toán hoặc đơn giản là trao đổi một tình huống điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, điều quyết định phương án tính toán, phương án xử lý là loại hợp đồng. Căn cứ Điều 62 Luật Đấu thầu 2013 quy định về hợp đồng có các loại hợp đồng sau:
Hợp đồng trọn gói
Hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng;
Hợp đồng theo đơn giá cố định
Hợp đồng theo đơn giá cố định là hợp đồng có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc thực tế được nghiệm thu theo quy định trên cơ sở đơn giá cố định trong hợp đồng.
Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh
Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là hợp đồng có đơn giá có thể được điều chỉnh căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc thực tế được nghiệm thu theo quy định trên cơ sở đơn giá ghi trong hợp đồng hoặc đơn giá đã được điều chỉnh.
Hợp đồng theo thời gian
Hợp đồng theo thời gian là hợp đồng áp dụng cho gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn. Giá hợp đồng được tính trên cơ sở thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ và các khoản chi phí ngoài thù lao. Nhà thầu được thanh toán theo thời gian làm việc thực tế trên cơ sở mức thù lao tương ứng với các chức danh và công việc ghi trong hợp đồng.
Phạm vi công việc
Nếu là người mới, “phạm vi công việc” là khái niệm khá trìu tượng, nên nhiều kỹ sư xây dựng khi học tập, nghiên cứu hoặc soạn thảo hoặc thực hiện hợp đồng xây dựng thường bỏ qua, không để ý. Chỉ đến khi xảy ra tranh chấp, vướng mắc thì mới hiểu về cái giá của sự hiểu biết và kinh nghiệm đã tích lũy. Các câu hỏi kiểu như sau sẽ góp phần làm rõ hơn thuật ngữ Phạm vi công việc: Nhà thầu có phải làm các công việc đó không? Khi làm công việc đó có được thêm tiền không? Các công việc đó đã tính trong phần giá trị hợp đồng đã thỏa thuận chưa?
Ví dụ: Hợp đồng trọn gói, giá trị trọn gói đó chỉ là trong phạm vi, giới hạn nào đó thôi, chứ không phải là “ôm cả trời đất”, có những việc phát sinh nhỏ Nhà thầu có thể chấp thuận làm giúp Chủ đầu tư, nhưng có những nội dung và khối lượng công việc làm là phải tính tiền, không phải mặc nhiên là đã bao gồm tất cả trong hợp đồng trọn gói.
Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng là những nội dung, khối lượng công việc mà bên giao thầu ký kết với bên nhận thầu phù hợp với phạm vi công việc của hợp đồng và phải được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng. Phạm vi công việc được xác định căn cứ vào hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất, các biên bản đàm phán và các văn bản pháp lý có liên quan. Tùy theo loại hợp đồng xây dựng cụ thể, phạm vi công việc thực hiện được xác định như sau:
Hợp đồng tư vấn xây dựng
Hợp đồng tư vấn xây dựng là hợp đồng để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng; bao gồm việc lập quy hoạch; lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; khảo sát; quản lý dự án; quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng; giám sát thi công xây dựng; thẩm tra thiết kế, dự toán và các công việc tư vấn khác trong hoạt động đầu tư xây dựng;
Hợp đồng thi công xây dựng
Hợp đồng thi công xây dựng công trình là hợp đồng để thực hiện việc thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc phần việc xây dựng theo thiết kế xây dựng công trình; hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng công trình là hợp đồng thi công xây dựng để thực hiện tất cả các công trình của một dự án đầu tư;
Hay hiểu theo cách khác hợp đồng thi công xây dựng là việc cung cấp vật liệu xây dựng, nhân lực, máy và thiết bị thi công và thi công xây dựng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ
Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ là hợp đồng thực hiện việc cung cấp thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; hợp đồng tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ là hợp đồng cung cấp thiết bị cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
Hợp đồng EPC
Hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Procurement – Construction viết tắt là EPC) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
Hợp đồng chìa khóa trao tay
Hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
Nội dung chủ yếu là việc lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình; đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa; chuyển giao công nghệ; vận hành thử không tải và có tải; bàn giao công trình sẵn sàng đi vào hoạt động cho bên giao thầu và những công việc khác theo đúng dự án được phê duyệt.
Hợp đồng cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công
Hợp đồng cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công là hợp đồng xây dựng để cung cấp kỹ sư, công nhân (gọi chung là nhân lực), máy, thiết bị thi công và các phương tiện cần thiết khác để phục vụ cho việc thi công công trình, hạng mục công trình, gói thầu hoặc công việc xây dựng theo thiết kế xây dựng;
Hợp đồng EC
Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering – Construction viết tắt là EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
Hợp đồng EP
Hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ (tiếng Anh là Engineering – Procurement viết tắt là EP) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và cung cấp thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; hợp đồng tổng thầu thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ là hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
Hợp đồng PC
Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Procurement – Construction viết tắt là PC) là hợp đồng để thực hiện việc cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình là hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
Thỏa thuận hợp đồng
Đây là nội dung rất quan trọng, khi gặp vướng mắc trong thực hiện hợp đồng, xảy ra sự hiểu sai giữa các bên có nguy cơ xảy ra rủi ro tranh chấp hoặc ách tắc công việc, thanh toán – tìm mãi không thấy có quy định nào của Nhà nước để có thể giải quyết vấn đề bạn mới thấy thỏa thuận quan trọng như thế nào.
Trong Điều 138 của Luật Xây dựng quy định chung về hợp đồng xây dựng
Điều 138 của Luật Xây dựng
1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
2. Nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng gồm:
a) Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
b) Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
c) Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
d) Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng xây dựng gồm:
a) Các bên hợp đồng phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;
b) Trung thực, hợp tác và đúng pháp luật;
c) Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
4. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Trường hợp hợp đồng xây dựng có sự tham gia của bên nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và ngôn ngữ khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.
5. Hợp đồng xây dựng phải được ký kết và thực hiện phù hợp với quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.
Chữ “thỏa thuận” được nhắc rất nhiều lần để thấy tầm quan trọng của việc thỏa thuận, không chỉ ở Luật Xây dựng, trong Nghị định và Thông tư về hợp đồng xây dựng và nhiều văn bản khác thuật ngữ thỏa thuận cũng được đề cập nhiều. Tất nhiên, thỏa thuận phải đúng các quy định của pháp luật, nếu thỏa thuận sai quy định pháp luật, mặc nhiên điều khoản thỏa thuận đó vô hiệu, vô hiệu 1 phần hoặc toàn bộ hợp đồng, bạn cũng chú ý là có thể thỏa thuận đó dẫn đến những vi phạm quy định của pháp luật nghiêm trọng.
Chỉ những ai đã trải qua nhiều “khổ đau và vất vả” của việc làm mà không thanh toán được tiền, vò đầu bứt tai, đêm ngày suy nghĩ vì vướng mắc khi làm thanh quyết toán mới hiểu cái giá của việc thỏa thuận kỹ trong hợp đồng. Điều này thể hiện từ kinh nghiệm mà rút ra tầm nhìn. Thỏa thuận kỹ và rõ ràng trong hợp đồng ngay từ đầu tránh cho việc mâu thuẫn, một bên hiểu một ý theo mong muốn lợi ích của mình mà dẫn đến xung đột khi thực hiện thi công và thanh toán hợp đồng xây dựng sau này. Chẳng phải vì thế mà các hợp đồng Fidic thường rất dày và trong đó đề cập hầu hết các tình huống để khi thực tế xảy ra thì các bên cứ thế thực hiện, thống nhất 1 cách hiểu, không dẫn đến xung đột, tranh chấp hoặc giảm rủi ro tranh chấp hợp đồng, không stress (căng thẳng) cho người làm.
Thông tin hợp đồng
Thông tin hợp đồng cần chuẩn bị trước khi bắt tay vào công việc làm thanh quyết toán:
Nếu bạn là người theo hợp đồng từ khâu soạn thảo, thương thảo, thỏa thuận, ký kết hợp đồng và đi vào thực hiện thì thật tuyệt, bạn sẽ rất hiểu về hợp đồng đó.
Nhưng nếu bạn mới vào hợp đồng được giao nhiệm vụ “ngang xương” thì bạn phải tìm hiểu kỹ lại hợp đồng, các thỏa thuận, bối cảnh, hứa hẹn, cam kết…