Sàn nhà là bộ phận nằm ngang được cấu tạo để phân không gian của nhà thành các tầng lầu nhằm tăng diện tích sử dụng ở các cao trình khác nhau trên cùng một diện tích xây dựng. Sàn được coi như một sườn nằm ngang để giằng giữ, liên kết với cột, dầm và tường để đảm bảo tính ổn định chung cho toàn nhà.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa diện tích xây dựng và diện tích sàn xây dựng
Yêu cầu đối với sàn nhà
Sàn là bộ phận kết cấu đồng thời làm hai nhiệm vụ chịu lực và bao che của nhà nhà. Là kết cấu chịu lực, sàn chịu tất cả các loại tải trọng thường xuyên và tạm thời tác động lên do trọng lượng bản thân của tường vách.
Phương án kết cấu sàn và loại sàn phải dựa trên cơ sở là sàn chịu được tốt các tác động cơ học do người đi lại, do di chuyển vật dụng, chuyển dịch và vận chuyển hàng hóa, chống chịu tác động xâm thực của axít ,kiềm … giảm thiểu tính dẫn nhiệt và truyền âm, thuận tiện việc bảo quản, vệ sinh phòng ốc. Do đó, để đảm bảo an toàn và sử dụng tốt, cấu tạo sàn cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
Đảm bảo cường độ
Ngoài việc sàn chịu tải trọng của bản thân cùng tường vách đặt trực tiếp lên sàn, theo yêu cầu phân chia phòng ốc kết cấu chịu lực của sàn còn phải đủ sức chịu tải trọng của con người, vật dụng gia đình hoặc các thiết bị máy móc phục vụ con người.
Do đó yêu cầu sàn phải đủ cường độ và độ cứng, bảo đảm không bị gãy, sập gây nguy hiểm cho con người và hư hỏng vật dụng ở cả tầng trên và tầng dưới.
Cách âm và cách nhiệt
Để bảo đảm sử dụng tốt, thoải mái, cấu tạo sàn phải giải quyết tốt vấn đề cách âm, cách nhiệt để khi đi lại, làm việc và nghỉ ngơi ở các tầng không bị ảnh hưởng lẫn nhau.
Chống cháy cao
Vật liệu làm sàn khó hay không cháy và chịu được nhiệt độ cao mà không làm biến dạng kết cấu gây ra mất ổn định cục bộ hay toàn bộ công trình. Những trường hợp khác phải có biện pháp phòng cháy thích đáng như các sàn gỗ thì các dầm chịu lực phải được quét phủ lớp vật liệu khó cháy.
Chống ăn mòn và chống thấm
Tùy theo vị trí và tính chất sử dụng ở mỗi nơi mà các yêu cầu cấu tạo có khác nhau như: sàn nhà thí nghiệm hóa chất thì phải quan tâm đến giải pháp chống xâm thực: sàn nhà vệ sinh luôn luôn tiếp xúc với nước thì cần cấu tạo chống thấm, chống ẩm và chịu mài mòn.
Kinh tế
Sàn là bộ phận chiếm khá nhiều kinh phí trong toàn bộ giá thành nhà. Đòi hỏi sàn phải nhẹ và có chiều dày cấu tạo tối thiểu, phải sử dụng vật liệu hợp lý và có khả năng được công nghiệp hóa.
Mỹ quan và vệ sinh
Là yêu cầu không thể thiếu nhằm đảm bảo sử dụng và bảo trì sàn như là cấu tạo mặt sàn phải dễ làm vệ sinh, không bám bụi và đạt tính thẩm mỹ cao.
Phân loại sàn nhà
Theo giải pháp kết cấu
Theo giải pháp kết cấu của bộ phận chịu lực sàn phân ra ba loại chính là: sàn bản, sàn sườn và sàn không dầm.
Sàn bản: là loại sàn nhà toàn khối có cấu tạo đơn giản nhất. Bản chịu lực theo một phương, với chỉ số chiều dài lơn hơn hay bằng hai lần chiều rộng gọi là bản kê 2 cạnh. Khi chỉ số chiều dài nhỏ hơn hai lần chiều rộng, bản chịu lực hai phương gọi là bản kê 4 cạnh.
Sàn sườn: Trong sàn sườn kết cấu chịu lực chính là dầm, dầm là sườn của sàn được bố trí theo một hoặc hai phương, trên hệ dầm có bản sàn được đúc liền khối với dầm hoặc bên trên gác các tấm chịu lực, panen lắp ghép.
- Sàn dầm toàn khối có bản kê hai cạnh
- Sàn dầm toàn khối có bản kê bốn cạnh
- Sàn dầm kiểu ô cờ
- Sàn dầm lắp ghép dùng panen
- Sàn dầm bán lắp ghép.
Sàn nhà không dầm: Trong loại sàn này là các tấm phẳng đặc hay rỗng đặt trực tiếp lên cột hoặc vách cứng chịu lực. Nhóm này có cả sàn nấm toàn khối lắp ghép hoặc bán lắp ghép.
Theo vật liệu
Tùy theo vật liệu dùng để cấu tạo các bộ phận chịu lực của sàn người ta phân ra thành các loại: sàn gỗ, sàn dầm thép, sàn bê tông cốt thép.
Trước đây các sàn gỗ được áp dụng rộng rãi không chỉ trong các nhà gỗ mà cả các nhà xây gạch với số tầng bất kỳ. Hiện nay chỉ hay dùng trong các loại nhà gỗ hay các nhà gạch dưới bốn tầng ở các địa phương có sẵn gỗ.
So với sàn gỗ, sàn bê tông cốt thép có những ưu điểm hơn nên ngày càng được sử dụng rộng rãi nhất. tuỳ theo biện pháp thi công nhà, sàn bê tông cốt thép lại chia ra sàn toàn khối và sàn lắp ghép hoặc bán lắp ghép. Sàn bê tông lắp ghép cho pháp công nghiệp hóa xây dựng cao hơn nên phạm vi ứng dụng rộng rãi hơn nhiều so với sàn bê tông cốt thép
Sàn dầm thép vì chiếm nhiều vật liệu hiếm và giá thành đắc nên hiện nay ít dùng trong xây dựng và các nhà dân dụng thông thường.
Theo biện pháp thi công
Sàn bê tông cốt thép toàn khối: loại sàn này đảm bảo độ cứng lớn và liên kết tốt cho sàn. Áp dụng cho loại nhà có mặt bằng không theo một quy tắc nhất định hoặc có yêu cầu đặc biệt.
Sàn bê tông cốt thép lắp ghép: loại sàn này đảm bảo yêu cầu công nghiệp hóa sản xuất và cơ giới hóa thi công. Kết cấu chịu lực của sàn được chế tạo ở nhà máy hoặc công trường, sau đó lắp ghép vào vị trí. Loại sàn này nâng cao hiệu suất lao động, tốc độ thi công không bị hạn chế bởi thời tiết, tiết kiệm ván khuôn. Tuy nhiên loại sàn này không có độ cứng bằng loại sàn đổ toàn khối, do đó cần có biện pháp gia cố nhất là ở những vị trí liên kết ráp nối.
Sàn bê tông cốt thép bán lắp ghép: loại sàn này có một phần toàn khối, một phần lắp ghép, nó tổng hợp cả ưu nhược điểm của cả hai loại trên.
Theo vị trí sử dụng
Sàn tầng hầm, tầng trệt, tầng lầu.
Sàn dưới nóc, sàn sân thượng, ban công , lô gia
Sàn bếp, phòng vệ sinh
Sàn phòng thí nghiệm, phòng mỗ…
Các bộ phận cấu tạo chính của sàn nhà
Sàn nhà được cấu tạo với ba bộ phận chính:
Kết cấu chịu lực của sàn
Gồm dầm hoặc dàn bằng gỗ, thép, bê tông cốt thép và các cấu kiện chèn kín khoảng trống giữa các dầm, hoặc các tấm panen hay các tấm đúc sẵn. Toàn bộ sàn gác lên đầu tường chịu lực hoặc khung chịu lực và khẩu độ sẽ tùy thuộc vật liệu cấu tạo kết cấu.
Áo sàn: Cấu tạo bề mặt hoàn thiện đặt trên kết cấu chịu lực hoặc trên tầng cách âm hay trên lớp chống thấm, được thực hiện với vật liệu lát mặt như gạch, ván gỗ, chất dẻo…
Trần sàn: Bộ phận được cấu tạo ở bề mặt dưới kết cấu chịu lực của sàn, nhằm mục đích tăng cường khả năng cách âm, cách nhiệt làm cho bề mặt dưới của sàn được phẳng theo yêu cầu mỹ quan và vệ sinh. Trần sàn trát vữa xi măng mác 75 dày 1,5- 2cm, có thể đóng thêm trần nhựa, trần thạch cao, trần bê tông lưới thép… Ngoài ra tuỳ theo yêu cầu sử dụng mà trong kết cấu sàn còn có bố trí xen lẫn trong các bộ phận chính các lớp như:
- Lớp chống thấm
- Lớp cách nhiệt
- Lớp cách âm
- Lớp cách hơi
Cấu tạo sàn nhà bê tông cốt thép toàn khối
Sàn bê tông cốt thép toàn khối là loại sàn được áp dụng phổ biến trong xây dựng kiến trúc dân dụng và công nghiệp.
Ưu điểm:
- Cấu tạo đơn giản bền chắc có độ lớn cứng.
- Khả năng chống cháy tốt, không mục nát, ít phải bảo trì, dễ thỏa mãn các yêu cầu về vệ sinh.
- Vượt được khẩu độ tương đối lớn, diện tích rộng.
Nhược điểm:
- Sữa chữa ,cải tiến khó.
- Khả năng cách âm không cao, cần có biện pháp cách âm cho sàn theo yêu cầu.
- Tốn ván khuôn và sức lao động, thời gian thi công chậm và chịu ảnh hưởng của thời tiết.
- Tải trọng bản thân lớn., có thể chế tạo bằng bê tông nặng hoặc bê tông nhẹ (như bê tông keramzit, bê tông xỉ, bê tông peclit.v.v..)
Phân loại sàn bê tông cốt thép toàn khối
Sàn bê tông cốt thép hình thức bản:
Sàn bê tông cốt thép bản kê hai cạnh: là loại toàn khối đơn giản nhất . Bản chịu lực theo một phương, với chỉ số chiều dài lơn hơn hay bằng hai lần chiều rộng. Nhịp của bản sàn nên lấy trong khoảng 2000-3000mm , sán có bề dày 60-100mm, được gác sâu váo tường tối thiểu ≥120mm. Loại sàn này thích hợp cho hành lang, sàn nhà vệ sinh hay các phòng có khẩu độ nhỏ.
Sàn bê tông cốt thép bản kê bốn cạnh: là loại sàn mà bản sàn chịu lực theo hai phương, tỷ số chiều dài nhỏ hơn hai lần chiều rộng, nhịp của bản sàn nên lấy 4000- 5000mm sàn có bề dày khoảng 80-120mm được gác sâu vào tường tối thiểu ≥120mm. Loại sàn này thích hợp cho sàn nhà có mặt bằng gần vuông.
Sàn bê tông cốt thép hình thức sàn sườn
Sàn bản dầm toàn khối: Là loại sàn có sườn gồm các bản và hệ dầm tạo thành trên mặt bằng những ô hình chữ nhật với tỷ số giữa 2 cạnh >2
Hình thức bản dầm được áp dụng trong trường hợp nhịp của sàn tương đối lớn, nếu dùng hình thức bản thì thì độ dày của bản sẽ lớn không tinh tế, do đó phải thêm các dầm để giảm bớt chiều dài nhịp của bản.
Với sàn có kết cấu theo hình thức bản dầm sẽ đạt được hiệu quả kinh tế khi sàn có nhịp trung bình. Tuy nhiên sẽ tốn gỗ ván khuôn hơn loại sàn thình thức bản. Mặt dưới của sàn không bằng phẳng và phải làm trần treo khi có yêu cầu.
Theo hình thức chịu lực có thể phân thành 2 loại: Sàn 1 hệ thống dầm và Sàn 2 hệ thống dầm
Sàn một hệ dầm:
Áp dụng khi mặt bằng sàn hẹp. Cần chọn phương chịu lực để có nhịp của dầm ngắn nhất với khoảng cách giữa các dầm từ 1m đến 2.5m. Khi khoảng cách giữa hai dầm liền kề < 1,2m thì người ta gọi đó là sàn dày sườn.
Sàn hai hệ dầm :
Áp dụng khi mặt bằng sàn rộng, sơ đồ kết cấu được xem như là bản kê lên dầm phụ, dầm phụ gối lên dầm chính, dầm chính đặt lên cột hoặc tường.
Phương của hệ dầm được chọn tùy thuộc vào sự bố trí chung của ngôi nhà và các yêu cầu khác.
Khi đặt dầm chính theo phương dọc nhà , trần nhà và cả gian nhà được chiếu sáng tốt hơn nhưng có thể phải kê một số dầm phụ lên phần tường trên ô cửa ở tường dọc, lúc đó cần đặt lanh tô khỏe để chịu lực từ mút dầm phụ truyền xuống. Trong trường hợp đặt dầm chính theo phương ngang nhà làm tăng độ cứng ngang của nhà. Khoảng cách giữa các dầm chính từ 4m đến 6m.
Ngoài ra khi bố trí cột để đỡ dầm trong nhà cần quan tâm đến những yêu cầu sử dụng ngôi nhà như sự sắp xếp dây chuyền sản xuất việc sư dụng không gian của phòng ốc.
Trong phạm vi mỗi nhịp của dầm chính có thể bố trí một, hai hoặc ba dầm phụ , và nên xếp đặt dầm phụ thế nào cho có một dầm phụ đặt theo trục cột. Khoảng cách giữa các dầm phụ từ 1,5m đến 3m.
Kích thước tiết diện dầm và bản:
Dầm chính: Chiều cao dầm lấy bằng 1/8-1/12 chiều dài dầm
- hdc = (1/8-1/15)ldc ; bdc = (1/2-1/3)hdc
Dầm phụ: Chiều cao dầm lấy bằng 1/15-1/20 chiều dài dầm
- hdp = (1/15-1/20)ldp ; bdp = (1/2-1/3)hdp
Bản: Chiều dày bản 6-10 cm tùy theo khẩu độ bản nhỏ hay lớn , 5cm đối với sàn mái.
Khi sàn kê trực tiếp lên tường, đoạn kê lê tường gạch là: 120mm đối với bản, 220mm đối với dầm phụ , 340mm đối với dầm chính. Nếu bề dày tường không đủ thì làm thêm bổ trụ. Mút dầm chính phải được đúc liền toàn khối với cột bê tông cốt thép đặt ở trong tường hoặc sát tường.
Sàn ô cờ (két sông):
Có hai loại sàn ô cờ: kiểu bản kê bốn cạnh và kiểu lưới ô nhỏ.
Sàn ô cờ kiểu bản kê bốn cạnh: Là loại sàn sườn trong đó dầm chính, dầm phụ lấy bằng nhau và chỗ gặp nhau của dầm ngang dọc là các cột đỡ. Lưới cột thường dùng tạo nên một mạng lưới ô vuông hay ô chữ nhật gần vuông với diện tích ô không quá 36m2. Bản có chiều dày 8-15cm, Loại sàn này có ưu điểm tạo nên mặt trần có hệ dầm đều đẹp dễ trang trí hay áp dụng trong những không gian lớn có thể bố trí cột như tiền sảnh, khách sạn, bệnh viện, trường học..v.v.
Sàn kiểu lưới ô nhỏ: Là một loại sàn sườn trong đó các sườn ngang dọc lấy cao bằng nhau , tạo thành một lưới ô vuông từ 80cm -2m. Chiều cao các sườn lấy bằng 1/30-1/35l ( bước cột, khẩu độ lớn của phòng). Bản sàn chỉ dày 5cm và cả tấm sàn tựa trực tiếp lên bốn tường hay các gối tựa xung quanh. Sàn có thể phủ trên một phòng có diện tích 60-70m2 mà không cần cột đỡ giữa , nó chỉ dùng khi phòng có hình thức vuông hay gần vuông có yêu cầu mỹ quan cao ( vì loại sàn này kém kinh tế hơn các sàn toàn khối kể trên) sàn thi công phức tạp, tốn cốp pha.
Các sườn có thể đặt song song với các cạnh phòng hay đặt chếch 450 so với cạnh phòng.
Cũng có thể kết hợp kiểu sàn kê bốn cạnh và ô cờ để phủ lợp các phòng có diện tích lớn bằng cách tạo nên một lưới ô vuông với khoảng cách các cột 6-9m và từ cột này sang cột kia có dầm nối liền. Loại sàn này cũng chỉ áp dụng trong các phòng như tiền sảnh, gian triển lãm .v.v.
Sàn nấm: Gồm một bản dày có mặt bằng vuông hoặc tròn được đặt ở trên một đầu cột chịu lực ở trung tâm bản, chỗ sàn tựa vào đầu cột, ứng suất cục bộ sẽ rất lớn có thể đâm thủng sàn, để khắc phục cấu tạo mũ cột loe ra theo góc 450, rộng 0,2- 0,3 bước cột, Chiều dày bản sàn thường lấy bằng 1/35- 1/40 khoảng cách cột, thường bằng 150- 200mm, với một số trường hợp bản sàn có thể dày hơn, bản sàn tựa lên một lưới cột 6000x6000mm, 8000x8000mm. Loại sàn này thích hợp cho công trình kiến trúc có mặt bằng tương đối lớn như siêu thị, chợ hoặc xưởng chế tạo.
Loại sàn này có ưu điểm mặt trần phẳng, mỹ quan và có khả năng chịu lực chấn động cũng như tải trọng lớn. Nhưng có nhược điểm không tinh tế vì tốn vật liệu. Sàn nấp áp dụng trong trường hợp khi sàn phải chịu tải trọng lớn hay có yêu cầu đặc biệt.
Cấu tạo mặt sàn nhà thông thường
Mặt sàn láng
Mặt sàn láng vữa xi măng cát, đánh màu bằng xi măng nguyên chất:
Lớp mặt sàn cấu tạo bằng hỗn hợp xi măng cát vàng 1:2 – 1:3
Trên lớp bê tông cốt thép chịu lực của sàn rải một lớp cách ấm bằng bê tông xỉ hoặc bê tông gạch vỡ dày 6-8 cm mác 50, trên lớp cách âm là lớp vữa láng xi măng cát dày 2- 3 cm. Đồng thời với việc láng vữa là đánh màu bằng xi măng nguyên chất, có thể kẻ ô vuông 30x30cm hay 40x40cm và khi cần thiết lăn bu xát chống trơn.
Ưu điểm: Cấu tạo đơn giản, dễ thi công, có khả năng chống thấm, gía thành hạ, áp dụng phổ biến trong nhà dân dụng cấp II-III.
Nhược điểm: không đẹp, không bền, dễ rạn nứt, dễ sinh bụi, không đảm bảo vệ sinh và mỹ quan
Mặt sàn trát granitô
Cấu tạo tương tự mặt sàn láng vữa xi măng cát, được láng vữa granitô dày 1-2 cm (vữa granitô tính theo trong lượng gồm: 2 phần đá cẩm thạch xay cỡ 3-8 mm, 1 phần xi măng trắng và 1/10 bột màu )
Tuỳ theo công tác hoàn thiện, mặt sàn có hai hình thức: đá rửa hoặc đá mài.
Đá rửa có bề mặt nhám do việc được rửa bằng bàn chải khi lớp vữa đã tương đối cứng để cho những hạt đá cẩm thạch nổi lên trên bề mặt không quá 1/3 cở hạt Đá mài có bề mặt nhẵn do việc được mài bằng tay hoặc bằng máy sau khi láng 3 ngày.
Muốn cho lớp vữa granitô gắn chặt vào lớp lót vữa xi măng cát bên dưới thì lớp xi măng cát này phải được làm nhám bằng cách kẻ thành các ô vuông hay ô trám khi vừa se mặt.
Để mặt sàn tránh bị nứt, cần kẻ vạch phân ô bằng cách đặt nẹp đồng hoặc kẽm chì dày 2mm lên lớp lót trước khi láng vữa granitô
Ưu điểm: Bền, đẹp, sạch, dễ lau chùi, chấm thấm cao, được áp dụng cho cầu thang, hành lang, nơi công cộng, nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm .. ..
Nhược điểm: Dễ đọng nước, giá thành cao, thi công phức tạp.
Mặt sàn nạm đá
Cấu tạo tương tự mặt sàn láng vữa granitô, nhưng không dùng hỗn hợp xi măng hạt đá mà trên lớp vữa xi măng cát láng một lớp xi măng trắng hoặc có pha màu, rồi dùng những đá vân hay mảnh sứ nhỏ nạm gắn trên lớp này .
Ưu điểm: Bền, đẹp, sạch
Nhược điểm: Giá thành cao, thi công phức tạp
Mặt sàn lát
Là loại mặt sàn được cấu tạo với các tấm nhỏ hay các viên ghép sát lại với nhau. Các tấm lát có thể bằng nhiều loại vật liệu : gỗ, xi măng cát, granito, gốm, vật liệu tổng hợp .. .. ..
Mặt sàn lát gạch xi măng hay tấm granito, gạch, gốm:
Mặt sàn này cấu tạo bằng các viên gạch lát mỏng, kích thước vừa, mặt trên nhẵn, mặt dưới có gân hay khía để dễ bám vào lớp vữa liên kết.
Khi thi công rải lớp vữa lót bằng xi măng cát 1:3 dày 2 – 2,5cm để liên kết các gạch lát với lớp nền sàn.
Liên kết giữa các tấm lát bằng xi măng nguyên chất.
- Các loại gạch thường dùng:
- Gạch xi măng cát có kích thước 20 x 20cm dày 2cm.
- Gạch đất nung (gạch lá nem) kích thước 30 x 30cm dày 3cm.
- Gạch granito kích thước 30x30cm, 40 x40cm dày 2cm.
- Gạch đá hoa, gạch gốm , đá granite. .. ..
So với các loại mặt sàn khác, loại này có nhiều ưu điểm như sạch, bền, đẹp, thi công nhanh, giá thành không cao, chịu nước, ẩm tốt nên thường được dùng.
Mặt sàn lát gỗ ván ghép:
Ván gỗ có bề dày 2,5 – 4cm, chiều rộng 10 – 12cm được ghép sát vào nhau theo một hướng. Yêu cầu gỗ làm ván ghép phải tốt, xử lý chống mối mọt , khô, ít vênh. Ván không đặt trực tiếp lên sàn mà phải kê trên các thanh gỗ đệm hoặc dầm đỡ và liên kết với nó bằng đinh đỡ có kích thước 4-6cm x 6-12cm.
Khoảng cánh giữa các dầm: Dầm gỗ đệm tùy theo chiều dày ván gỗ và tải trọng sử dụng bên trên mà lấy từ 50- 100cm.
Để hạn chế các kẽ hở và độ vênh chung của mặt sàn, dọc các tấm ván nên làm mộng rãnh theo các kiểu: mộng hèm lưỡi gà đơn, kép, mộng hèm chốt lưỡi gà, mông ghép khớp giả hèm.
Để chống ẩm, mục cho cấu kiện của sàn và gỗ cần phải chừa khe trống giữa tường và dầm đỡ > 3cm, giữa tường và lớp ván phủ mặt sàn 1 -2cm. Khe này về sau khi hoàn thiện được che bằng gờ chân tường hoặc góc lượn.
Các hình thức ghép ván: kiểu đặt song song, kiểu quả trám, kiểu chữ nhân, kiểu chữ nhật lệch ….
Mặt sàn lát pác kê: Pác kê là gồm các thanh gỗ mỏng, có kích thước nhỏ được chế tạo bằng loại gỗ cứng. Các thanh pác kê thường có kích thước hình chữ nhật dài 15 – 40cm, rộng 3 – 6cm, dày 1,2 – 1,5cm với bốn má cạnh xung quanh đều có làm mộng rãnh để liên kết với nhau thành mảng lớn, hạn chế hiện tượng vênh cục bộ làm cho mặt sàn gợn sóng và không phẳng.
Có 2 phương pháp lát pác kê :
- Pác kê lát trên ván thô: Ván thô được chọn không rộng quá 18cm và ghép nghiêng 45 độ so với dầm đệm, được lát gần sát nhau. Pác kê liên kết với ván thô bằng đinh, đinh phải đóng sâu để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Giữa lớp ván thô và pắc kê là lớp giấy dầu, dưới lớp ván thô là các đố gỗ 40x40cm khoảng cách bằng viên pắc kê.
- Páckê lát trên nền cứng: để liên kết giữa pắc kê và nền bê tông hay các lớp cứng, thường dùng các chất dính xây dựng. Nền pác kê được dán trên lớp keo (matit atplan) dày 2-2,5cm với mộng theo hình thức cấu tạo đặc biệt có thể bám chặt vào lớp kết cấu sàn khi đã khô cứng.
Cấu tạo sàn nhà tại một số vị trí đặc biệt
Mặt sàn đặc biệt gồm mặt sàn tầng hầm, tầng trệt, mặt sàn khu vệ sinh, mặt sàn cách âm cao, mặt sàn đàn hồi.
Mặt sàn tầng hầm và tầng trệt
Mặt sàn này chịu ảnh hưởng nhiều của độ ẩm nên có cấu tạo phức tạp.
Mặt sàn tầng hầm thi công trực tiếp trên các lớp nền mà không cần dùng các lớp đệm cách âm, cách nhiệt.
Để giải quyết vấn đề chống thấm từ đát lên nhất la cho các sàn nằm gần hay dưới mực nước ngầm, giữa nền và sàn có thể dùng 1 lớp cát hạt to dày 5 – 7cm hay 1 lớp bê tông cốt thép cách nước đỡ toàn khối dày 4cm hoặc các vữa liên kết mặt sàn bằng vữa chống thấm tốt.
Mặt sàn khu vệ sinh
Mặt sàn này có yêu cầu chống thấm cao, sạch, đẹp. Để đảm bảo yêu cầu này, vật liệu làm áo sàn phải cách nước tốt như các loại gạch men chống trơn. Hoặc trong lớp mặt sàn làm bằng xi măng cát phải có lớp chống thấm bằng xi măng cát vàng 1 : 2 dày 1- 2cm có đánh màu vì mặt sàn thường xuyên có nước.
Lớp chịu lực của sàn cũng cần cách nước tốt . Nếu là sàn bê tông cốt thép toàn khối thì cho ngâm nước xi măng (khoảng 7 ngày đêm ) đến khi không còn thấy dột nữa. Nước xi măng pha trộn theo tỉ lệ 5kg xi măng trong 1m3 nước, ngày quấy trộn 3 lần, bảo đảm mức nước cao 8-10cm
Chỗ sàn tiếp xúc với tường cũng như các đường ống kỹ thuật nên có be cao lên 15 – 20cm, 4 hàng gạch chân tường từ mặt sàn lên nên xây bằng vữa xi măng cát. Mặt tường bên cần ốp gạch men hay trát láng đến độ cao 1,2m là tối thiểu để tránh nước ngấm qua tường làm ẩm ố tường. Nếu là sàn lắp ghép thì trên lớp đan hay pa nen làm thêm một lớp bê tông cốt thép chống thấm dày 4cm mác 200 có ngâm nước xi măng như trên.
Mặt sàn cách âm cao
Nguyên tắc cấu tạo sàn cách âm là phải tìm biện pháp tăng cường cách âm không khí và va chạm của sàn. để tăng độ cách âm không khí cho sàn thường dùng biện pháp cho thêm vật liệu cách âm vào khoảng giữa sàn đồng thời phải bịt kín các khẽ hở của sàn. Vật liệu nhồi nên bằng vật liêu có độ hút âm lớn đồng thời không quá nhẹ thì hiệu quả sẽ tốt hơn như xỉ, cát hạt to, sợi, bột .v.v.
Cách âm va chạm thường có hai cách giải quyết :
Cách thứ nhất: một là chỗ tiếp xúc giữa sàn và tường, giữa sàn và tường đều có đệm chèn vật liệu đàn hồi nếu lớp vật liệu dải suốt được cả mặt sàn thì hiệu quả cách âm của mặt sàn càng tốt vì không những nó làm tăng độ cách âm va chạm mà còn nâng cao độ cách âm không khí. Khi cấu tạo kiểu này phải đặc biệt chú ý đến chỗ tiếp xúc giữa phần trên và phần dưới, tại đó nên luôn đệm bằng vật liệu đàn hồi .Vật liệu đàn hồi cách âm có thể dùng sợi thủy tinh, bông khoáng chất hay các tấm sợi gỗ ép.v.v.
Cách thứ hai: là cấu tạo sàn thanh hai lớp hoàn toàn tách rời nhau, không có hay rất ít chỗ tiếp xúc với nhau. Ở các chỗ tiếp xúc phải xử lý cách âm va chạm.
Cấu tạo mặt sàn nhà đàn hồi
Thường làm bằng sàn gỗ. Nguyên tắc cấu tạo mặt sàn nhà đàn hồi như sau: mặt sàn gỗ không được tựa trực tiếp lên lớp chịu lực của sàn mà tựa lên một hệ thống các đòn gánh dài 1200mm. Các đòn gánh này bằng gỗ , các đầu mút chỉ mỏng 30-40mm và ở giữa dày 80- 100mm tùy theo độ đàn hồi cần thiết do tính toán quyết định , chiều rộng đòn gánh là 100mm đặt cách nhau 400mm tựa lên các sống cứng rộng 100mm cao 60mm chạy song song cách nhau 400mm các dầm chạy đỡ mặt sàn tựa lên các đòn gánh theo cùng phương với đòn và cách đòn bằng những con lăn gắn ở đàu đòn.
Mặt sàn bên trên gồm hai lớp ván một lớp pác kê giữa hai lớp có lớp giấy dầu. Gỗ làm mặt sàn không nên làm gỗ quá cứng mà nên là gỗ đàn hồi, mềm.