Như các bạn đã biết Bản vẽ thiết kế (thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công) là bản vẽ biểu diễn hình dáng, cấu tạo, mô hình của công trình phục vụ cho việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cho công trình. Bản vẽ thể hiện hình dạng, kích thước, tính năng, kỹ thuật, chủng loại vật liệu cấu tạo nên bộ phận công trình và công trình; thể hiện hình dạng tổng thể của công trình. Để tìm hiểu về cách thức thể hiện bản vẽ thiết kế mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Cách thức thể hiện bản vẽ thiết kế
Các hình thức biểu diễn của một vật thể
- Hình chiếu đứng: là hình chiếu của một vật thể lên một mặt phẳng thẳng đứng ở phía sau vật thể.
- Hình chiếu bằng: là hình chiếu của một vật thể lên một mặt phẳng nằm ngang ở phía bên dưới vật thể.
- Hình chiếu cạnh: là hình chiếu của một vật thể lên một mặt phẳng thẳng đứng nằm bên cạnh vật thể.
- Hình cắt – mặt cắt: Nếu Tưởng tượng có một mặt phẳng cắt ngang qua vật thể thì hình cắt là phần giao của vật thể với mặt phẳng được chiếu vào một mặt phẳng đằng sau nó. Hình của mặt cắt đó được gọi là hình cắt.
- Hình chiếu trục đo: là loại hình biểu diễn nổi được xây dựng bằng phép chiếu song song. Hình chiếu trục đo của vật thể thường được vẽ kèm với các hình chiếu thẳng góc của nó nhằm giúp cho người đọc bản vẽ dễ dàng hình dung ra vật thể cần biểu diễn. Không đúng, phải thay bằng vật thể.
- Hình chiếu phối cảnh: gọi tắt là phối cảnh, là loại hình biểu diễn nổi được xây dựng bằng phép chiếu xuyên tâm. Nó được dùng trên các bản vẽ kiến trúc, xây dựng để biểu diễn các công trình xây dựng như: nhà cửa, cầu, đường, thủy lợi… tức là những đối tượng có kích thước khá lớn.
Các hình thức biểu diễn bản vẽ của công trình xây dựng
Bản vẽ phối cảnh: Để dễ dàng hình dung công trình (đặc biệt đối với những người không học chuyên ngành xây dựng, kỹ thuật), chúng ta có thể xem bản vẽ này. Đây là bản vẽ kiểu chụp hình công trình, thể hiện cả cảnh vật, không gian xung quanh như thật.
- Bản vẽ mặt bằng: Ở trên ta chiếu vật thể lên một mặt phẳng nằm ngang ở phía bên dưới vật thể, thì ở đây ta đem in công trình lên một phẳng nằm ngang phía dưới công trình (hoặc nhìn công trình từ trên máy bay ở vị trí thẳng góc với mặt đất) khi đó ta có bản vẽ mặt bằng.
Bản vẽ mặt bằng của công trình thể hiện cách bố trí các bộ phận, cách phân chia các khu vực trong công trình.
Đối với công trình dân dụng, mặt bằng thường dùng thể hiện vị trí của tường, cột, cửa, cầu thang… trong một tầng. Tưởng tượng cắt công trình bằng một mặt phẳng song song với mặt sàn ở độ cao hơn 1m thì hình chiếu của mặt cắt đó lên mặt sàn thể hiện mặt bằng của công trình.
- Bản vẽ mặt đứng: Nếu chiếu mặt đứng trước, mặt đứng bên, mặt đứng sau vào một mặt phẳng song song tương ứng ta sẽ được hình chiếu đứng của công trình. Bản vẽ mặt đứng thể hiện kiến trúc của công trình ở bốn mặt xung quanh.
Thông qua đó có thể biết được vị trí của các bộ phận trên mặt đứng. Ví dụ đối với công trình dân dụng, mặt đứng thể hiện vị trí cửa, vị trí mái hắt, lan can,…
- Bản vẽ mặt cắt: Tưởng tượng cắt ngang hoặc cắt dọc công trình bằng các mặt phẳng tương ứng ta sẽ được bản vẽ mặt cắt ngang và mặt cắt dọc của công trình. Thông qua bản vẽ mặt cắt thể hiện được bề dày và chiều cao của các bộ phận mà mặt cắt cắt qua. Chiều cao, cốt của các bộ phận trên công trình.
- Bản vẽ chi tiết: Nếu trích vẽ một chi tiết nào đó của công trình từ mặt bằng, mặt đứng và mặt cắt ta sẽ thấy được chi tiết cụ thể của phần trích vẽ đó. Trong hệ thống bản vẽ thiết kế xây dựng thì thường có rất nhiều các bản vẽ chi tiết.
Chú ý: Trong hệ thống bản vẽ xây dựng đã trình bày ở trên người tính khối lượng cần nghiên cứu cụ thể từng bản vẽ một. Các bản vẽ thường có sự liên kết với nhau để thể hiện cấu tạo của một bộ phận hoặc kết cấu xây dựng hoặc vị trí lắp đặt thiết bị, chi tiết chế tạo thiết bị công nghệ… Thông qua bản vẽ mặt bằng thể hiện chiều dài và chiều rộng. Thông qua bản vẽ mặt đứng và mặt cắt thể hiện chiều sâu và chiều cao.