Khái niệm về thiết kế và bản vẽ xây dựng

Khái niệm về thiết kế: Thiết kế công trình xây dựng là quá trình lập ra hệ thống các bản vẽ và các chỉ tiêu tính toán để thuyết minh sự hợp lý về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế của các hạng mục và công trình xây dựng.

thiet-ke-va-ban-ve-xay-dung

Công tác thiết kế xây dựng gồm: Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng; Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng; Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front – End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.

Thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau:

  • Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
  • Thiết kế hai bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
  • Thiết kế ba bước gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
  • Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.

Thiết kế sơ bộ là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, thể hiện những ý tưởng ban đầu về thiết kế xây dựng công trình, lựa chọn sơ bộ về dây chuyền công nghệ, thiết bị làm cơ sở xác định chủ trương đầu tư xây dựng công trình.

Thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.

Thiết kế kỹ thuật là thiết kế cụ thể hóa thiết kế cơ sở sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt nhằm thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là cơ sở để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.

Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

Mọi công trình trước khi xây dựng đều phải:

  • Có đồ án thiết kế.
  • Thiết kế phải do tổ chức cá nhân có giấy phép hành nghề lập, phải tuân theo Quy chuẩn xây dựng và Tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng.
  • Khi thiết kế công trình phải căn cứ vào tài liệu khảo sát xây dựng phù hợp với đối tượng và yêu cầu của các giai đoạn thiết kế. Bản vẽ thiết kế phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyển phê duyệt.
  • Tài liệu khảo sát phục vụ thiết kế phải do pháp nhân hành nghề khảo sát xây dựng cùng cấp.
  • Pháp nhân hành nghề khảo sát xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, tài liệu do mình cung cấp.

Hồ sơ thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở gồm thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng công trình và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có).

Khái niệm bản vẽ xây dựng

Bản vẽ thiết kế (thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công) là bản vẽ biểu diễn hình dáng, cấu tạo, mô hình của công trình phục vụ cho việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cho công trình. Bản vẽ thể hiện hình dạng, kích thước, tính năng, kỹ thuật, chủng loại vật liệu cấu tạo nên bộ phận công trình và công trình; thể hiện hình dạng tổng thể của công trình.

Vai trò của bản vẽ thiết kế

Tùy từng đối tượng mà bản vẽ thiết kế có các vai trò như sau:

  • Người lập dự toán sử dụng bản vẽ để xác định khối lượng của các công việc thi công xây dựng công trình, từ đó áp đơn giá để xác định giá trị dự toán xây dựng công trình.
  • Người làm công tác kế hoạch có thể dựa vào bản vẽ thiết kế để tính toán và dự trù các nguồn lực phục vụ kế hoạch thi công xây dựng công trình.
  • Người thi công (nhà thầu xây dựng) nhìn vào bản vẽ thiết kế và sử dụng các phương tiện kỹ thuật, công nghệ và nhân lực, vật lực để biến thiết kế trên bản vẽ thành công trình trong thực tế.
  • Người làm công tác kiểm soát khối lượng, chi phí (kế toán, kiểm toán, thanh tra, nhân viên ngân hàng, kho bạc) dựa vào bản vẽ để kiểm tra, kiểm soát khối lượng trong hồ sơ thanh quyết toán.

PHÂN LOẠI BẢN VẼ XÂY DỰNG

Bản vẽ quy hoạch: Bản vẽ quy hoạch là bản vẽ thể hiện quy hoạch của một khu vực địa lý hành chính về xây dựng. Tình trạng và vị trí sử dụng đất, cách bố trí các công trình dân dụng trong một tổng thể…

ban-ve-quy-hoach

Bản vẽ kiến trúc: Bản vẽ kiến trúc là bản vẽ biểu diễn cấu tạo về mặt kiến trúc của công trình.

Thể hiện mô hình, đường nét, hình dáng, cách thức bố trí (các kết cấu, bộ phận, hạng mục công trình), đường giao thông… đảm bảo công năng và thẩm mỹ cho công trình.
Ví dụ: Với công trình dân dụng, bản vẽ kiến trúc thể hiện mô hình, đường nét, hình dáng, cách thức bố trí các phòng, đường giao thông đi lại trong công trình…

Bản vẽ kiến trúc của công trình được ký hiệu là KT. Ví dụ: KT 01; KT 02… thường được xắp xếp theo thứ tự: Mặt bằng tầng 1, Mặt bằng tầng 2,…. Mặt đứng, Mặt cắt.

ban-ve-kien-truc

Bản vẽ kết cấu: Bản vẽ kết cấu là bản vẽ biểu diễn cấu tạo về mặt kết cấu của một công
trình. Thể hiện cách bố trí của cốt thép… nhằm đảm bảo khả năng chịu tải (chịu lực) của công trình.
Bản vẽ kết cấu của công trình được ký hiệu là KC. Ví dụ KC 01; KC 02… thường được xắp xếp theo thứ tự: Mặt bằng kết cấu móng, Mặt bằng đài móng, Chi tiết dầm, sơ đồ bố trí gối cầu, chi tiết móng mố cầu…

ban-ve-ket-cau

Bản vẽ bố trí thiết bị: Bản vẽ bố trí thiết bị là bản vẽ biểu diễn vị trí đặt các thiết bị trong công trình. Bản vẽ bố trí thiết bị thường dựa trên tên, loại thiết bị lắp đặt vào công trình.

Đối với công trình dân dụng: bản vẽ bố trí thiết bị thường là các bản vẽ thể hiện vị trí lắp đặt các thiết bị như: Điện, nước, hệ thống PCCC, điều hoà thông gió, hệ thống kỹ thuật công trình (camera an ninh, điều khiển toà nhà)…

Ví dụ:

  • Bản vẽ thiết kế điện có: Đ 01, Đ 02…
  • Bản vẽ thiết kế cấp nước, thoát nước: N 01, N 02…
  • ban-ve-cap-dien

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *