Đo bóc khối lượng một số công tác thông dụng

Trước khi tìm hiểu về đo bóc khối lượng một số công tác thông dụng chúng ta cần nắm bắt những sai sót thường gặp và nguyên nhân dẫn đến sai sót để khắc phục và phòng tránh.

Những sai sót thường gặp phải khi xác định khối lượng công tác xây dựng

  • Tính thiếu hoặc tính thừa khối lượng tính từ thiết kế
  • Kể thiếu đầu việc hoặc thừa đầu việc
  • Bỏ sót (không tính) khối lượng xây dựng. Ví dụ: Có bản vẽ bố trí điều hoà, nhưng không tính khối lượng dẫn đến không lập dự toán mua sắm, lắp đặt điều hoà cho công trình.
  • Tính trùng lặp khối lượng xây dựng. Ví dụ: khi tính bê tông dầm xác định chiều cao dầm hết cả chiều dày sàn không trừ đi khối lượng đã tính vào sàn.
  • Phân tích công nghệ không phù hợp với công nghệ thi công xây dựng.
  • Gộp chung khối lượng các loại kết cấu trong cùng một công tác không theo yêu cầu kỹ thuật.
  • Nhầm đơn vị đo, thứ nguyên khi tính toán.

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót

  • Phương pháp đo bóc khối lượng của những người tham gia tính khác nhau.
  • Do chất lượng của hồ sơ thiết kế chưa tốt, thiếu chi tiết, không khớp nhau, thống kê không đầy đủ và thiếu rõ ràng.
  • Do chưa thống nhất quy định về trình tự tính toán khối lượng của kết cấu chi tiết;
  • Do trình độ năng lực của người tham gia đo bóc khối lượng.

cach-do-boc-khoi-luong-mot-so-cong-tac-thong-dung-

 

ĐO BÓC KHỐI LƯỢNG MỘT SỐ CÔNG TÁC THÔNG DỤNG

Phần móng và phần thô

Nền móng

Nền móng là phần đất nằm dưới đế móng, chịu toàn bộ tải trọng của công trình đè xuống. Căn cứ vào cấu tạo của các lớp đất đá của từng khu vực địa chất người ta có những phương án xử lý khác nhau.

Có thể phân nền móng thành hai loại là nền móng tự nhiên và nền móng nhân tạo:

  • Nền đất tự nhiên cho phép không phải gia cố nhưng vẫn đảm bảo sức chịu tải do công trình gây ra.
  • Nếu nền đất tự nhiên không đảm bảo chịu tải do công trình gây ra thì người ta phải gia cố tức là được chuyển thành nền móng nhân tạo.

Có các hình thức gia cố nền móng:

  • Gia cố nền móng bằng việc đổ thêm vào nền các lớp đá, cát vàng…
  • Gia cố nền móng bằng các loại cọc: Cọc tre, gỗ, cọc bê tông cốt thép, cọc cát.

Đo bóc khối lượng công tác sản xuất cọc BTCT

Đơn vị tính: m3

Quy cách:

  • Kiểm tra bản vẽ thiết kế chi tiết cọc và bảng thống kê cốt thép cọc, kích thước hình học, kích thước bản mã đầu cọc, số đài cọc, các lớp lưới đầu cọc ..
  • Mác bê tông đọc trong phần ghi chú bản vẽ chi tiết.
  • Đá dùng làm cọc 1×2, 2×4 ..

Phương pháp đo bóc

+ Tính khối lượng bê tông bằng cách chia cọc theo các hình học thích hợp.

Cọc chia làm hai loại C1 và C2.

– Cọc C1 gồm đoạn thân và mũi

Đoạn thân: B^2*L*S (chiều rộng mũ 2 nhân chiều dài nhân số lượng)

Đoạn mũi: 0,5*B^2*h*S

– Cọc C2: B^2*L2*S

+ Đo bóc công tác gia công và lắp dựng ván khuôn cọc bê tông đúc sẵn tính dựa trên diện tích bề mặt của bê tông cọc (chú ý đơn vị của ván khuôn khi tính là 100m2)

+ Đo bóc khối lượng gia công và lắp dựng cốt thép cọc bê tông đúc sẵn căn cứ vào hình vẽ triển khai trên các mặt cắt chi tiết của cọc và lấy bảng thống kê cốt thép làm căn cứ kiểm tra. Cần phân thành thép có d < 10mm, d < 18mm và d > 18 mm.

Công tác đóng cọc bê tông cốt thép

Đơn vị: 100 m

Quy cách:

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Sử dụng búa máy có trọng lượng đầu búa: < 1,8 tấn , > 1,8tấn …
  • Quy cách, kích thước: chiều dài cọc, tiết diện cọc .
  • Cấp đất đá và điều kiện thi công: cấp đất 1, 2 và trên cạn, dưới nước.
  • Biện pháp thi công: Đóng cọc, ép cọc…

Phương pháp tính:

Tổng chiều dài cọc = độ sâu 1 lỗ cọc x toàn bộ số lỗ cọc.v.v.

Tên công việc thường có:

  • Đóng cọc BTCT, tiết diện 20×20, trọng lượng đầu búa < 1,2T .
  • Đóng cọc BTCT, tiết diện 30×30, trọng lượng đầu búa > 1,8T .
  • Ép trước cọc BTCT, tiết diện 10×10 …
  • Ép sau cọc BTCT, tiết diện 40 x 40 …
  • .v.v.

Đóng cọc tre, gỗ…

Đơn vị: 100 m

Quy cách:

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: 100 m .
  • Loại vật liệu: cọc tre, cọc gỗ, cọc tràm, cừ gỗ …
  • Nhóm đất: bùn, đất C2, C3.
  • Kích thước vật liệu: cọc < 2,5m ; cọc > 2,5m.
  • Biện pháp thi công: Thủ công hoặc bằng máy.

Phương pháp tính:

Chiều dài = DT gia cố x chiều dài cọc x mật độ cọc.

Tên công việc thường có:

  • Đóng cọc tre.
  • Đóng cọc tràm.
  •  … vv

Công tác đất

Đơn vị: 100 m3 đối với công tác đào bằng máy và m3 đối với công tác đào bằng thủ công.

Quy cách:

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

– Nhóm đất: có thể xem phần thuyết minh bản vẽ để biết được đất đào móng của công trình thuộc loại cấp đất nào. Khó hay dễ thi công.
– Kích thước: Đối với công tác đào móng tường, mƣơng, rãnh thì:
+ Chiều rộng quy định hai cấp < 3m và > 3m.
+ Chiều sâu quy định mỗi cấp bằng 1 m: < 1 m, < 2m, < 3m, > 3m.
+ Móng hố độc lập phân theo bề rộng.
+ Đất cần phân biệt nhóm đất.

Phương pháp tính:

Kích thước hố đào được xác định dựa trên kích thước mặt bằng và mặt cắt chi tiết móng.

Công thức tính khối lượng khối hình chóp cụt :

V = H/6*[a*b+d*c+(c+a)*(d+b)]

Tính khối lượng móng bằng có taluy cần chia cắt thành các hình đơn giản để tính.

Tính khối lượng lấp móng: Tính chính xác Vlấp = Vđào – Vcông trình bị chôn lấp

Tính gần đúng theo kinh nghiệm: Vlấp = 1/3 Vđào

Tên công việc thường có:

  • Đào móng cột, đào móng băng các loại.
  • Đào nền đường.
  • Lấp đất móng công trình.
  • Đắp đất nền nhà.
  • Đắp cát phủ đầu cừ.

Công tác bê tông

cong-tac-be-tong

Đơn vị: m3

Quy cách:

Trong công tác bê tông cần được phân biệt:

  • Loại bê tông: bê tông gạch vỡ, bê tông lót móng, bê tông có cốt thép hay bê tông không có cốt thép;
  • Số hiệu bê tông (bê tông gạch vỡ, mác vữa);
  • Loại cấu kiện;
  • Vị trí cấu kiện;
  • Phương thức đổ.

Phương pháp tính: Công tác bê tông được tính như đã trình bày ở trên với cột, dầm sàn, lanh tô, ô văng, cầu thang.

Công tác bê tông nằm rải rác trong công trình. Cần tính toán cặn kẽ, tỷ mỷ đối với từng bộ phận tránh sai sót.

Công tác cốt thép

Đơn vị: tấn

Quy cách: cần phân biệt

  • Loại thép
  • Kích thước đối với thép hình
  • đường kính đối với thép tròn
  • Loại cấu kiện và vị trí cấu kiện
  • phương pháp thi công

Phương pháp tính

Tính như đã trình bày ở trước.

Chú ý: Đối với thép hình làm lan can, cầu thang cần có bảng tra tiết diện và trọng lượng của 1 md từ đó tính toán khối lượng hoặc tính bằng: chiều dài cấu kiện * diện tích cấu kiện * số lượng cấu kiện * trọng lượng riêng (Trọng lượng riêng của thép = 7850kg/m3).

Tính khối lượng 1m thép tròn theo công thức: M = 0,6165 x D2.

Trong đó:

M: Khối lượng 1m thép tròn, đơn vị là Kg .
D: đường kính cốt thép, đơn vị là cm .

Công tác sản xuất, lắp dựng kết cấu sắt thép

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: 1 tấn .
  • Chủng loại thép: thép hình, thép tấm, thép tròn…
  • Loại công tác: Sản xuất vì kèo, lắp dựng vì kèo, sản xuất xà gồ, lắp dựng xà gồ, sản xuất giằng thép, lắp dựng giằng thép, sản xuất thép lan can cầu đường sắt …
  • Quy cách, kích thước cấu kiện: ván khuôn khẩu độ < 36m , < 9m …
  • Các kiểu liên kết: hàn, bu lông…
  • Biện pháp gia công: cơ giới, thủ công…

Phương pháp tính:

– Tính theo bảng thống kê thép của thiết kế.

– Hoặc tính trực tiếp từ thiết kế cấu kiện: trước khi tính cần phân biệt các thông số cơ bản như:

+ Kích thước: dài x rộng x dầy (đối với thép hình, tấm).
+ Kích thước: dài x ĐK (đối với thép tròn)…

Tính chiều dài cấu kiện x diện tích cấu kiện x số lượng cấu kiện x trọng lượng riêng.

Ví dụ: Tính khối lượng giằng mái, gồm 12 cấu kiện, dài 5,5 m, tôn dập, kích thước C200x 50x 15x 2,5.

Tính M = 5,5x ( 0,2+ 0,05×2+ 0,015×2) x 0,0025 x 12 x 7850 = 297,9 kg ≈ 0,3 tấn .

(Trọng lượng riêng của thép: 7.850kg/m3 ).

Tên công việc thường có:

  • Sản xuất kết cấu thép (vì kèo, xà gồ, giằng…).
  • Lắp dựng kết cấu thép (vì kèo, xà gồ, giằng…).
  •  .v.v .

Công tác ván khuôn

Đơn vị tính: 100 m2

Quy cách: cần chú ý phân loại:

– Ván khuôn bằng gỗ
– Ván khuôn bằng kim loại…

Phương pháp tính: đã trình bày ở trước trong phần bê tông cột, dầm giằng, sàn, mái..

Công tác xây

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m3.
  • Loại công tác: xây móng, xây tường, xây các kết cấu phức tạp …
  • Loại vật liệu: Đá, gạch ống, gạch thẻ, gạch chịu lửa…
  • Kích thước vật liệu: gạch ống 8x8x19, 9x9x19…
  • Chiều dầy khối xây: Chiều dầy < 10cm, < 30cm, > 30cm…
  • Chiều cao khối xây: Chiều cao < 4m, < 16m, < 50m, > 50m…
  • Mác vữa: M50, M75, M100…

Phương pháp tính:

  • Lấy chiều dài tường nhà x chiều cao = Diện tích toàn bộ.
  • Trừ đi lỗ cửa và ô trống được diện tích mặt tường.
  • Trừ đi các khối lượng các kết cấu khác (giằng tường, lanh tô…) ta được khối lượng xây cần tính.

Tên công việc thường có:

  • Xây tường dầy 100, h < 4m.
  • Xây tường dầy 100, h < 16m.
  • Xây tường dầy 200, h < 16m.
  • Xây tam cấp, xây bó nền.
  •  .v.v .

Công tác hoàn thiện

Công tác trát

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m2.
  • Loại công tác: Trát vữa XM, trát đá rửa, trát Granito …
  • Loại cấu kiện: Trát tường, trát cấu kiện BT…
  • Quy cách lớp trát: Lớp trát dầy 1cm, 1,5cm, 2cm,…
  • Điều kiên thi công: Trát trong, trát ngoài…
  • Mác vữa: M25, M50, M75…

Phương pháp tính:

  • Tính theo diện tích mặt cấu kiện, bộ phận được trát .
  • Tính diện tích mặt toàn bộ, rồi trừ diện tích cửa, ô trống, diện tích ốp…
  • Chú ý: Khi tính trát gờ chỉ, phào… tính theo mét

Tên công việc thường có:

  • Trát tường gạch bên trong và bên ngoài…
  • Trát dầm, giằng, thành sênô các loại…
  • Trát lanh tô, ô văng…
  • Trát Granito…
  • Trát đá rửa…
  • .v.v .

Công tác quét chống thấm

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m2.
  • Loại công tác: Láng nền, láng seno, bể nước…
  • Loại cấu kiện: Láng nền có đánh mầu, không đánh mầu, láng cấu kiện bê tông…
  • Quy cách lớp láng: Lớp láng dầy 2cm, 3cm,…
  • Mác vữa: M25, M50, M75…

Phương pháp tính:

  • Tính tương tự như công tác trát
  • Chú ý: Diện tích quét chống thấm căn cứ vào yêu cầu thiết kế… (có thể quét lên tường và sàn hoặc chỉ quét sàn…)

Tên công việc thường có:

  • Láng nền sàn không đánh mầu.
  • Láng nền sàn có đánh mầu.
  • Láng Granito.
  • Quét chống thấm lên bề mặt kết cấu.
  •  .v.v.

Công tác ốp, lát

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m2.
  • Loại công tác ốp: ốp tường, trụ, cột, ốp chân tường, ốp đá granit tự nhiên, ốp đá cẩm thạch…
  • Loại công tác lát: Lát gạch sân, lát gạch nền đường…
  • Loại vật liệu: ốp gạch, ốp đá, lát gạch xi măng, lát đất nung….
  • Quy cách, kích thước vật liêu: Gạch 200×200, 300×300, 600×600…
  • Mác vữa: M25, M50, M75…

Phương pháp tính: Tính theo Diện tích được ốp, lát…

Tên công việc thường có:

  • Ốp gạch vào tường…
  • Ốp gạch chân tường…
  • Lát gạch các sàn tầng…
  • Lát gạch khu vệ sinh
  •  .v.v.

Công tác làm trần

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m2.
  • Loại vật liệu: trần cót ép, trần gỗ dán có tấm cách âm, làm trần bằng tấm thạch cao …
  • Quy cách, kích thước tấm trần: Tấm trần 50x50cm…

Phương pháp tính: Tính theo diện tích làm trần.

Tên công việc thường có:

  • Làm trần gỗ dán…
  • Làm trần ván ép chia ô nhỏ…
  • Làm trần thạch cao…
  •  .v.v.

Công tác lợp mái

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m2.
  • Loại vật liệu: lợp mái ngói, lợp mái Fibro xi măng, tôn tráng kẽm …
  • Quy cách, kích thước vật liệu: ngói 22v/m2, ngói âm dƣơng 80v/m2…
  • Chiều cao thi công: < 4m, < 16m.

Phương pháp tính:

  • Diện tích lợp mái tính theo góc nghiêng của mái.
  • Xà gồ, cầu phong, vì kèo tính riêng với đơn vị m3.
  • Lati tính riêng theo đơn vị m2 mái.

c/ Tên công việc thường có:

  • Lợp mái ngói 22v/m2…
  • Lợp mái bằng Fibro xi măng
  • .v.v.

Công tác quét vôi hoặc sơn, bả

Cần xác định rõ những đặc điểm sau:

  • Đơn vị tính: m2.
  • Loại công việc: Bả vào tường, bả vào cấu kiện, sơn gỗ, sơn kính, sơn dầm, tường….
  • Loại vật liệu: loại bột bả, loại sơn…

Phương pháp tính:

  • Diện tích bả matít tính theo diện tích trát vữa xi măng
  • Diện tích sơn nước lấy theo diện tích bả matít …
  • Diện tích sơn dầu tính diện tích theo bề mặt cấu kiện
  • Sơn cửa tính theo diện tích m2 bề mặt cửa…
  • Quét vôi tính bằng diện tích trát vữa XM…

Tên công việc thường có:

  • Bả matít vào tường…
  • Bả matít vào cột, dầm, trần…
  • Sơn nước vào tường đã bả…
  • .v.v.

Công tác làm cửa

Đơn vị tính: m2 cho cánh cửa và m cho khuôn cửa

Quy cách: cần phân biệt:

  • Loại cửa: cửa đi, cửa sổ, cửa đơn, cửa kép, có khuôn, không khuôn…
  • Loại gỗ: gỗ lim, gỗ chũ chỉ…
  • Điều kiện kỹ thuật: mộng, đố, cấu tạo cửa, huỳnh, pano…

Phương pháp tính dựa vào kích thước mặt bằng và mặt cắt hay bảng thống kê cửa tính được khối lượng cửa từng loại theo quy cách của chúng. Chi phí cho sản xuất cửa tính theo thông báo giá hàng tháng của địa phương nơi xây dựng công trình.

Công tác phục vụ làm cầu đường, hạ tầng kỹ thuật

Công tác khoan

Thực ra công tác khoan không chỉ phục vụ làm cầu đường, mà chúng ta còn gặp ở hầu hết các công trình nhà dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện…

– Khối lượng công tác khoan phải được đo bóc, phân loại theo đường kính lỗ khoan, chiều sâu khoan, điều kiện khoan (khoan trên cạn hay khoan dưới nước, môi trường nước ngọt, nước lợ, nước mặn), cấp đất, đá; phương pháp khoan (khoan thẳng, khoan xiên) và thiết bị khoan (khoan xoay, khoan guồng xoắn, khoan lắc…), kỹ thuật sử dụng bảo vệ thành lỗ khoan (ống vách, bentonit…).

– Các thông tin về công tác khoan như số lượng, chiều sâu khoan và các yêu cầu cần thiết khi tiến hành khoan… cần được ghi rõ trong Bảng tính toán, đo bóc khối lượng công trình, hạng mục công trình.

Công tác làm đường

– Khối lượng công tác làm đường phải được đo bóc, phân loại theo loại đường (bê tông xi măng, bê tông át phan, lỏng nhựa, cấp phối…), theo trình tự của kết cấu (nền, móng, mặt đường), chiều dày của từng lớp, theo biện pháp thi công.

– Khối lượng làm đường khi đo bóc phải trừ các khối lượng lỗ trống trên mặt đường (hố ga, hố thăm) và các chỗ giao nhau.

– Các thông tin về công tác làm đường như cấp kỹ thuật của đường, mặt cắt ngang đường, lề đường, vỉa hè, dải phân cách, lan can phòng hộ, sơn kẻ, diện tích trồng cỏ, biển báo hiệu… cần được ghi rõ trong Bảng tính toán, đo bóc khối lượng công trình, hạng mục công trình.

– Các công tác xây, bê tông, cốt thép… thuộc công tác làm đường, khi đo bóc như hướng dẫn về đo bóc khối lượng công tác xây, công tác bê tông và công tác cốt thép như đã nêu ở phần trên.

do-boc-khoi-luong-mot-so-cong-tac-thong-dung

PHẦN LẮP ĐẶT HỆ THỐNG KỸ THUẬT

Lắp đặt hệ thống kỹ thuật công trình

Khối lượng lắp đặt hệ thống kỹ thuật công trình như cấp điện, nước, thông gió, cấp nhiệt, điện nhẹ… được đo bóc, phân loại theo từng loại vật tư, phụ kiện của hệ thống kỹ thuật công trình theo thiết kế sơ đồ của hệ thống, có tính đến các điểm cong, gấp khúc theo chi tiết bộ phận kết cấu…

Công tác lắp đặt thiết bị công trình:

– Khối lượng lắp đặt thiết bị công trình được đo bóc, phân loại theo loại thiết bị, tổ hợp, hệ thống thiết bị cần lắp đặt, biện pháp thi công và điều kiện thi công (chiều cao, độ sâu lắp đặt).
– Khối lượng lắp đặt thiết bị công trình phải bao gồm tất cả các phụ kiện để hoàn thiện tại chỗ các thiết bị, tổ hợp, hệ thống thiết bị.

Lắp đặt thiết bị vệ sinh, cấp thoát nước

Trong công trình xây dựng, hệ thống cấp thoát nước và thiết bị vệ sinh được tổ hợp từ các linh kiện khác nhau

– Đối với thiết bị vệ sinh bao gồm: Chậu rửa, lavabô, vòi sen, gương soi… những thiết bị này phải căn cứ vào bản vẽ bố trí thiết bị sau đó tổng hợp và đưa vào bảng khối lượng. Đơn vị là cái hoặc bộ….

– Đối với thiết bị cấp thoát nước gồm có: Bồn chứa nước, phương ống cấp nước – hệ thống ống dẫn, van, côn cút… Đối với phương ống thoát nước – tê kiểm tra, chếch, côn thu… Đơn vị là m hoặc cái (Cần phân biệt ở đây là cấp nước thì ống dẫn nước thường là ống thép tráng kẽm hoặc ống nhựa mềm chất lượng cao còn ống thoát nước thường là ống nhựa cứng PVC)

Cách đo bóc: người đo bóc căn cứ vào sơ đồ không gian cấp thoát nước, căn cứ vào chiều cao tầng và chiều dài tƣờng đặt thiết bị vệ sinh…để xác định số lượng, chiều dài tương ứng..

Cần phân biệt biện pháp thi công trong việc nối đường ống có thể là nối bằng phương pháp măng sông hoặc bằng phương pháp hàn..

Lắp đặt thiết bị điện

Hệ thống điện trong công trình xây dựng bao gồm cáp, dây dẫn; thiết bị đóng ngắt bảo vệ, thiết bị kết nối phân phối điện.. Việc đo bóc được xác định dựa trên sơ đồ phân pha và đi dây

Đối với dây cáp điện phải căn cứ vào vị trí nguồn điện bên ngoài công trình đến tủ điện tổng của công trình, hình thức đi nổi hoặc đi chìm để xác định chiều dài dây cáp (m). Đồng thời phải căn cứ vào chủng loại cáp thông thường cáp sẽ là 4 dây: VD 3×16 + 1×10
Đối với dây dẫn điện trong công trình phải căn cứ vào sơ đồ phân pha và đi dây, xác định chiều dài dây dẫn và chiều dài dây gen bảo vệ Đối với thiết bị đóng ngắt bảo vệ bao gồm: áttômát 1 pha, 3 pha, cầu dao, cầu chì…

Đối với thiết bị kết nối bao gồm ổ cắm đơn , ổ cắm đôi.. Thiết bị chiếu sáng trong công trình – đèn đơn, đèn đôi, đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt…

Tóm lại đối với dây cáp điện đo bóc tính theo đơn vị là (m) còn các thiết bị khác tính theo đơn vị là bộ hoặc cái..

Lắp đặt thiết bị chống sét

Thiết bị chống sét của công trình bao gồm: kim dẫn sét, dây thu sét, dây dẫn sét, cọc tiếp địa, dây nối tiếp địa… Đối với công việc này thì kim thu sét, cọc được xác định theo đơn vị là cái khi thi công. Còn lại được xác định hoàn toàn dựa trên trọng lượng của thép cấu tạo nên nó. Khi thi công ngoài việc gia công lắp dựng còn có công việc là sơn bảo vệ.

Hệ thống điều hòa không khí, thang máy

Trong công trình xây dựng có thể được tính ra một hạng mục thiết bị riêng, trong trường hợp này cần rà soát kiểm tra khối lượng tính toán của nhà thiết kế đã đúng, hợp lý chưa.

Có thể bạn quan tâm: Phương pháp đo bóc khối lượng công trình

Một số lưu ý khác

Đo bóc khối lượng xây dựng công trình là một công việc phức tạp, tổng hợp nhiều loại công tác, quy cách, hình dạng, kích thước, khối lượng tính toán rất nhiều. Để tính toán đầy đủ, tránh nhầm lẫn sai sót, giảm được thời gian và khối lượng tính toán, người làm công việc này phải chú ý: Nghiên cứu bản vẽ từ toàn thể đến bộ phận chi tiết để hiểu biết về cấu tạo công trình. Sự liên quan của các bộ phận với nhau để xác định được khối lượng cần tính toán cho mỗi công tác của công trình. Sau đó thực hiện tính toán khối lượng cho từng công tác như đã hướng dẫn ở trên. người làm công việc này cũng cần phải linh hoạt để đạt được tính hợp lý và nhanh chóng, hiệu suất cao trong công việc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *